Tin Tức

Lễ Giỗ Tổ Hàn Bái lần thứ 95 sẽ được tổ chức vào lúc 3 giờ chiều ngày 6 tháng 5 năm 2023 tại trường Cannon Road Elementary School
Đọc Tiếp....

History

Nằm ở một vị trí chiến lược đặc biệt trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam là nơi gặp gỡ giao tiếp của nhiều nền văn minh lớn, nhiều dân tộc Âu Á Đông Tây. Một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa cũng như trăm năm thống trị của người Pháp và gần đây sự cọ xát với nền văn hòa Âu Mỹ đã để lại nhiều dấu ấn trong xã hội và văn hóa Việt. Thế nhưng tại sao chúng ta vẫn không mất gốc, vẫn giữ được bản sắc dân tộc trong mọi lãnh vực của đời sống?

Đó là vì dân ta đã biết học hỏi, tiếp thu một cách có gạn lọc những điều hay đẹp của người để làm giàu thêm cho kiến thức và đời sống của mình, đồng thời gạt bỏ đi những điều không thích hợp. Hơn thế nữa, những kiến thức mới du nhập đôi lúc còn được cải sửa, thêm bớt, nhào nặn lại cho vừa với khuôn mẩu Việt Nam. Chữ Hán khi qua nước ta được cải sửa lại thành chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ do linh mục Alexandre de Rhodes sáng chế nhằm dễ dàng truyền đạo dần dần được dân ta bổ sung hoàn chỉnh hơn và biến nó thành một lợi khí vô giá trong lãnh vực văn hóa, xã hội.

Võ thuật nói riêng cũng không ra ngoài quá trình sàng lọc đó. Kinh nghiệm chiến đấu của cha ông chúng ta đã có dịp giao tiếp với những nền võ thuật của các nước lân bang cũng như khắp năm châu khi phương tiện giao lưu mở rộng. Trong số những nguồn võ thuật đa dạng ấy, có lẽ chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ võ thuật Trung Hoa, cái nôi của nền võ học Đông Phương.

Nếu như chỉ du nhập và giữ nguyên khuôn mẫu võ Trung Hoa thì chẳng có gì đáng nói, đàng này cha ông ta đã sàng lọc để chỉ giữ lại những gì thích hợp cho mình. Ngoại trừ những võ phái do người Trung Hoa trực tiếp truyền dạy, ta còn thấy một số võ phái mới do người Việt sáng lập, tuy có xuất xứ từ võ thuật Trung Hoa nhưng lại mang nhiều nét độc đáo riêng biệt thích hợp với bản chất người Việt.

Một trong những võ phái đó phải kể đến Hàn Bái Đường do cố võ sư Hàn Bái sáng lập ra vào đầu thập niên 1920. Vào thời điểm đó, ở miền Bắc Việt Nam đã có câu ví “Văn như Bùi Kỷ, võ như Hàn Bái”.

Do đâu mà Hàn Bái được xưng tụng như vậy? Để trả lời cho câu hỏi đó chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua về tiểu sử của vị võ sư tài danh này.

Hàn Bái tên thật là Lê Bái, sanh năm 1889 trong một gia đình võ tướng, cha là lãnh binh triều đình Huế. Được rèn luyện võ thuật từ nhỏ, với tinh thần cầu tiến, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi và trau luyện thêm. Năm mười chín tuổi, trong thời gian làm việc tại sở Hỏa Xa Vân Nam, ông có cơ duyên gặp được vợ chồng võ sư Lý Quân rất nổi tiếng ở Quí Châu và được thâu nhận làm đồ đệ. Thấy ông Bái khí chất tốt, năng khiếu hơn người lại có lòng thành tâm cầu học, vợ chồng Lý Quân hết lòng truyền dạy võ thuật. Chẳng bao lâu tài nghệ ông đã vượt trội hơn hẳn con trai Lý Quân cũng trạc tuổi ông. Dần dần những danh thủ Quí Châu cũng phải nể mặt ông qua những lần giao đấu. Nhận thấy tài nghệ của ông Bái còn có thể tiến xa hơn, Lý Quân khuyên ông trở lại Vân Nam tìm học tiếp với sư huynh của mình là Triệu Quan Chảo. Trở về Vân Nam ông Bái có nhiều dịp đem những điều sở học ra thử nghiệm và chưa hề thất bại trước những cao thủ địa phương. Tuy nhiên trong lần đụng độ đầu tiên với ông Chảo, ông đã bị gài cứng tay chân hết phương tiến thoái. Khi đó ông Bái chưa biết rõ mình đang giao đấu với chính sư huynh của Thầy mình, hay đã biết mà vẫn muốn thử tài đọ sức? Sau đó ông ở lại học với võ sư Triệu Quan Chảo. Trong thời gian này, ông có hai người bạn đồng môn gốc Việt là ông Bảy Mùa và ông Ba Cát. Sau này ông Ba Cát truyền dạy lại cho võ sư Quách Kế, người sáng lập ra Lam Sơn Võ Thuật Đạo ở Sài gòn trước 1975.

Năm 1918, ông Bái trở về nước. Sau một thời gian dài nghiên cứu và cải sửa bài bản quyền thế cho phù hợp với thể chất người Việt và hoàn cảnh thực tế lúc bấy giờ, ông mở võ quán Hàn Bái Đường ở Hà Nội để truyền bá môn võ của mình.

Tài nghệ của ông lúc đó nổi tiếng khắp đất Bắc và cả miền Nam Trung Hoa. Chẳng bao lâu, ông được phong tước vị Hàn Lâm Võ Học. Tên gọi Hàn Bái xuất phát từ đó. Ông không chủ trương dạy nhiều bài quyền và cũng không chú trọng lối đánh hoa mỹ mà chỉ chú trọng vào tinh luyện, cần tinh mà không cần đa. Lối dạy của ông uyển chuyển, thay đổi tùy theo thể chất và tính khí của từng môn đồ.

Với người này ông dạy cương, với người khác ông lại dạy nhu. Ông Nguyễn văn Đắc, trưởng tràng Hàn Bái Đường lúc đó với vóc người cao lớn, vạm vở được ông dạy lối quyền cương mãnh cùng kỷ thuật chiến đấu mạnh bạo. Ngược lại với một người học trò khác có tầm vóc nhỏ hơn là ông Vũ Bá Oai, ông truyền dạy lối đánh linh động, nhu nhuyển hơn. Tổ sư Hàn Bái thất lộc ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch năm 1928, hưởng dương 39 tuổi. Vì ông mất sớm, tài nghệ của ông ít người hấp thu được. Trưởng tràng đời thứ nhất của Hàn Bái Đường là ông Nguyễn văn Đắc. Sau khi ông Đắc lên Lạng Sơn thì trách nhiệm được trao lại cho ông Vũ Bá Oai.

Cuối thập niên hai mươi, ông Oai vào miền Nam với ý nguyện truyền bá môn võ thuật Hàn Bái tại đây. Thời gian đầu do chưa có điều kiện, ông chỉ thâu nhận một số ít môn đồ đến luyện tập tại tư gia. Đó là nhóm cao đồ đầu tiên gồm các ông Mai văn Khuê, Đỗ Dư Ánh, Trương Minh Lắm, Huỳnh văn Mĩ. Sau đó là nhóm các ông Nguyễn Anh Tài, Vưong Quan Ba…

Năm 1950 ông Oai đúng tên xin mở Hàn Bái Đường tại Sài gòn với thành phần trưởng tràng Huỳnh văn Mĩ, huấn luyện viên chính Nguyễn Anh Tài, phụ tá huấn luyện viên Mai văn Khuê và Vưong Quan Ba. Trong thời gian hoạt động của Hàn Bái Đường ở Sài Gòn, các ông Nguyễn Anh Tài, Mai văn Khuê và Vương Quan Ba trực tiếp đứng sân thường xuyên. Về sau khi Hàn Bái Đường đưa cả Nhu Đạo và Hiệp Khí Đạo vào chương trình huấn luyện, ông Huỳnh văn Mĩ rút khỏi Hàn Bái Đường vì ông cho rằng chương trình huấn luyện ôm đồm đó sẽ làm chậm sự phát triển của môn phái. Thật vậy, trong số võ sinh Hàn Bái Đường trước kia, sau khi võ đường ngưng hoạt động vào năm 1960, đã không có ai đủ khả năng để chính thức truyền dạy quyền thuật Hàn Bái, trừ một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi là anh Hà Kim Danh, hiện đang ở nam California, còn nắm đầy đủ nhất những gì đã học được ở Hàn Bái Đường*. Trong khi đó một số môn sinh Hàn Bái Đường lại rất thành công, thành danh ở những võ phái khác như võ sư Đặng Thông Phong, Nguyễn Long Vân….Điều đó giải thích tại sao Hàn Bái Đường vắng bóng khá lâu trong làng võ thuật Việt Nam cũng như ở hải ngoại. Năm 1960, Hàn Bái Đường ngưng hoạt động.

* Muốn tìm hiểu thêm về Hàn Bái Đường, xin liên lạc võ sư Hà Kim Danh ở số điện thoại 714-360-7657 hay qua địa chỉ email: danhha40@yahoo.com

Sau khi rút khỏi Hàn Bái Đường, ông Huỳnh văn Mĩ vẫn tiếp tục hướng dẫn cho một số môn đồ tại tư gia. Năm 1983, một số môn đồ của ông bắt đầu chính thức phổ biến võ thuật Hàn Bái tại Sài Gòn (Câu Lạc Bộ 2/9 Quận Tân Bình).

Sau hai mươi năm gián đoạn, võ thuật Hàn Bái sống lại dưới một tên mới: Thiếu Lâm Hàn Bái, và sau này là Hàn Bái Kung Fu ở hải ngoại. Từ Hàn Bái Đường đến Hàn Bài Kung Fu, sự khác biệt không chỉ ở tên gọi mà còn ở những cải biến, bổ sung từ kỷ thuật cho đến cách huấn luyện. Có thể nói hơn nửa chương trình huấn luyện hiện nay của bộ môn là công trình bổ sung sau này của thầy Huỳnh văn Mĩ cùng các cao đồ của ông. Ngay cả những bài quyền cũ cũng được cải biên lại cho ngắn gọn và thực dụng hơn. Từ những thay đổi khác biệt đó, để tránh những ngộ nhận có liên quan đến Hàn Bái Đường, thầy Huỳnh văn Mĩ đã xin được từ chối tiếp nối chức vị chưởng môn Hàn Bái Đường theo ý của sư phự Vũ Bá Oai, đồng thời xin phép được thành lập võ phái Hàn Bái Kung Phu để tiếp tục bảo tồn và phát huy quyền thuật Hàn Bái.

Từ cuối năm 1993, một cao đồ của ông Huỳnh văn Mĩ là võ sư Nguyễn Việt Bằng mở một lớp võ ở vùng Silver Spring, tiểu bang Maryland. Sau đó vào tháng 12 năm 1994, một lớp võ khác được mở cho gia đình Phật tử chùa Giác hoàng ở Washington D.C. Vào mùa xuân 1997, thêm một lớp Hàn Bái Kung Fu nữa khai giảng ở vùng Gaithersburg, Maryland.

Năm 1997, võ sư Đặng Thông Phong được cụ Vũ Bá Oai ủy quyền mở lại Hàn Bái Đường ở miền Nam California. Tiếc thay, lớp võ Hàn Bái Đường này chỉ hoạt động được vài tháng rồi ngưng cho đến nay.

Vào năm 1999, vì lý do sức khỏe, chưởng môn đời thứ nhất của Hàn Bái Kung Fu là thầy Huỳnh văn Mĩ, khi đó đã 88 tuổi, quyết định truyền chức vị chưởng môn lại cho võ sư Nguyễn Việt Bằng, người đã phổ biến quyền thuật Hàn Bái từ năm 1983 ở Sài gòn và tiểu bang Maryland miền Đông Bắc Hoa Kỳ từ cuối năm 1993. Thầy Huỳnh văn Mĩ qua đời tại miền nam California vào năm 2004, hưởng thọ 93 tuồi. Đại võ sư Vũ Bá Oai cũng đã thất lộc trước đó 3 năm hưởng thọ 100 tuổi.

Sinh hoạt của bộ môn Hàn Bái Kung Fu tại Maryland không chỉ gói gọn trong phạm vi lớp võ mà còn bành trướng vào học đường qua chương trình dạy võ sau giờ học cho học sinh (after-school martial arts program). Bắt đầu từ mùa thu năm 2005, chương trình này đã gây tiếng vang lớn tích cực trong cộng đồng và được giới chức địa phương đánh giá là một trong những chương trình ngoại khóa thành công nhất trong toàn quận Montgomery. Cho đến nay chương trình này vẫn liên tục nhận được sự tài trợ của chánh quyền địa phương.